Có thể ký hợp đồng lao động trực tiếp với ban QLDA?

ID: 17470 - Bài viết trong 'Nhân sự Thái Nguyên' gửi bởi Admin, 3 Tháng tám 2018.

  1. Lượt xem: 1,778

    hdld-1477793618036.jpg

    Ông Đặng Đức Thành (Bắc Giang) làm nhân viên hợp đồng tại ban quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng huyện, là đơn vị sự nghiệp tự thu, tự chi, trực thuộc UBND huyện. Ông Thành hỏi, giám đốc ban QLDA có được ký hợp đồng lao động trực tiếp với người lao động không?

    Ông Thành cũng muốn biết, đơn vị áp dụng hệ số như viên chức, có tăng lương định kỳ 3 năm/lần với bằng đại học, 2 năm/lần với bằng cao đẳng, trung cấp để ký hợp đồng với người lao động là có phù hợp hay không?

    Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Thành hỏi như sau:

    Khoản 1 và Điểm a, Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 141/2016/NĐ-CPngày 10/10/2016 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, quy định:

    – Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

    – Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên quyết định số lượng người làm việc.

    Theo đó, đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên được tự quyết định đề án vị trí việc làm (trong đó quyết định vị trí việc làm) và số lượng người làm việc của đơn vị, không phải xây dựng đề án vị trí việc làm trình cơ quan chủ quan phê duyệt và quyết định số lượng người làm việc hàng năm.

    Căn cứ Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CPngày 18/6/2015 của Chính phủ về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng, ban QLDA đầu tư xây dựng huyện là tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật; hoạt động theo nguyên tắc tự bảo đảm kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

    Ban QLDA chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của UBND huyện; và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn của sở, ban, ngành có liên quan.

    Thực tế hiện nay tại các địa phương, biên chế của ban QLDA là biên chế sự nghiệp trong tổng số biên chế sự nghiệp của UBND huyện được UBND tỉnh phân bổ hàng năm. Trước mắt, biên chế của ban QLDA là tổng số biên chế đã giao cho đơn vị.

    Đối với lao động hợp đồng, căn cứ Khoản 1 và Điểm a, Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP quy định về tự chủ nhân sự, trong quá trình hoạt động, theo nhu cầu công việc thực tế và khả năng tài chính của đơn vị, giám đốc ban QLDA được quyền ký hợp đồng lao động, hợp đồng thuê, khoán công việc để đáp ứng yêu cầu chuyên môn của đơn vị theo quy định của pháp luật hiện hành.

    Nâng bậc lương đối với lao động hợp đồng

    Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 1 Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thì những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập là đối tượng được nâng bậc lương thường xuyên.

    Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Thông tư này thì, đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương;

    Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

    Trường hợp ông Đặng Đức Thành phản ánh, ban QLDA là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và những người người lao động đã được xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định tại Bảng lương số 3 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, với các chức danh có yêu cầu trình độ đại học, đơn vị áp dụng thời hạn giữ bậc đủ 3 năm, đối với người có trình độ trung cấp đủ 2 năm thì, được xét nâng một bậc lương là đúng quy định.

    Tuy nhiên, việc đơn vị áp dụng thời gian xét nâng bậc lương đối với người có trình độ cao đẳng có đủ 2 năm giữ bậc cũ được xét nâng một bậc lương là chưa đúng, mà theo quy định phải có đủ 3 năm giữ bậc cũ thì được xét nâng một bậc lương mới đúng.

    Nguồn: Baochinhphu.vn

     

Chia sẻ trang này