Khi sếp ân hận

ID: 13933 - Bài viết trong 'Nhân sự Thái Nguyên' gửi bởi Admin, 31 Tháng bảy 2017.

  1. Lượt xem: 1,950

    Sếp đột ngột nhắn tin cho tôi: “Rảnh không, qua uống trà chơi”. Phòng tôi cách phòng sếp có mấy bước chân, mới gặp nhau trong cuộc họp giao ban, giờ lại rủ uống trà là sao? Tuy vậy, tôi cũng gác công việc sang một bên để qua xem sếp cần gì.

    Đúng là sếp mời tôi qua uống trà. Sau khi hớp xong một ngụm, sếp chép miệng bảo: “Trà ngon đó chứ? Của ông Phong cho tôi lâu rồi mà tôi chê không uống. Không ngờ nó ngon vậy. Trà nõn tôm đó”.

    photo-1-17052017.png

    Tôi đâu có rành về trà; càng không biết nõn tôm, nõn tép gì; chỉ lờ mờ đoán rằng sếp đang có chuyện với “ông Phong”. Mà chuyện gì mới được chứ bởi “ông Phong” đã nghỉ việc rồi? “Lâu nay, cậu có gặp ông Phong không?”. Biết ngay mà. Tôi nói cho sếp biết là anh em ở các bộ phận vẫn thường liên lạc, hỏi ý kiến “ông Phong” về nhiều vấn đề của công ty. Sếp ngạc nhiên: “Vậy sao?”.

    Trong giọng nói của sếp chứa đầy vẻ tiếc nuối. Không tiếc sao được khi công ty cùng lúc đã mất hàng loạt chuyên viên giỏi. Sau khi ông Phong, giám đốc kỹ thuật, nộp đơn xin nghỉ việc thì 2/3 nhân sự của bộ phận cũng gửi đơn. Để cho “đã nư”, sếp duyệt tất cả đơn xin nghỉ việc. Hậu quả là ban kỹ thuật trống lốc nhân sự giỏi mà đến giờ này, tôi vẫn chưa tuyển đủ người để trám vào những chỗ trống ấy.

    Mâu thuẫn phát sinh đã lâu nhưng đỉnh điểm là khi giám đốc quyết định mua hàng loạt dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng của một doanh nghiệp phá sản. Sau khi xem xét, đánh giá, ông Phong là người đầu tiên lên tiếng phản đối. Nhưng sếp nói: “Tôi cho rằng mình đã quyết định đúng”. Khi sếp nói vậy có nghĩa là mọi thứ không cần bàn cãi. Giám đốc kỹ thuật nói thẳng: “Tôi là người gác cửa cho anh để công ty không trở thành bãi rác công nghệ, nếu anh không nghe thì thôi, tôi nghỉ việc”.

    Hậu quả tới ngay trước mắt khi số máy móc vừa mua liên tục hỏng hóc không hoạt động được, công nhân phải nghỉ chờ việc, khách hàng giận dữ chuyển đơn hàng đi nơi khác, nội bộ ban giám đốc lục đục… Và sếp có thời gian nhìn lại mình. Ông nhớ trước đây đã không ít lần tuyên bố “tôi nghĩ mình làm đúng” nhưng sau đó thực tế cho thấy ông sai.

    “Cậu có cách gì mời ông Phong về lại công ty không?” - sếp ngập ngừng hỏi. Tôi lắc đầu: “Ông ấy không về đâu. Chỗ mới người ta đánh giá rất cao ông ấy”. Tôi nói với sếp như vậy nhưng trong lòng lại nghĩ khác. Với tính khí của sếp thì ngay cả tôi là người giỏi chịu đựng, cố nhẫn nhịn để kiếm cơm qua ngày mà nhiều khi còn muốn nổi điên với sếp thì người có cá tính và lòng tự trọng như ông Phong làm sao có thể hợp tác lâu dài?

    Sếp cũng có lúc sai chứ…

    Lê Phương - vieclam.nld.com.vn

     

Chia sẻ trang này