Thẩm quyền bổ nhiệm Hiệu trưởng trường THCS

ID: 16941 - Bài viết trong 'Nhân sự Thái Nguyên' gửi bởi Admin, 9 Tháng năm 2018.

  1. Lượt xem: 1,929

    63.11.jpg

    Ông Nguyễn Duy (Tây Ninh) đề nghị giải đáp một số quy định liên quan đến thẩm quyền bổ nhiệm Hiệu trưởng trường THCS công lập.

    Theo phản ánh ánh của ông Duy, tại Khoản 3, Điều 18 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT có nêu: “Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT) ra quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đối với trường công lập, công nhận Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đối với trường tư thục sau khi thực hiện các quy trình bổ nhiệm cán bộ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Nếu nhà trường đã có Hội đồng trường, quy trình bổ nhiệm hoặc công nhận Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng được thực hiện trên cơ sở giới thiệu của Hội đồng trường”.

    Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 8 Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo “tham gia phối hợp với Trưởng Phòng Nội vụ thực hiện quy trình, trình Chủ tịch UBND cấp huyện: Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển, cách chức, giáng chức đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, công nhận, không công nhận hội đồng trường các cơ sở giáo dục trực thuộc UBND cấp huyện; quyết định công nhận, không công nhận Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của UBND cấp huyện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý tổ chức cán bộ của UBND cấp tỉnh”.

    Ông Duy cho rằng 2 quy định trên là mâu thuẫn, chồng chéo, các địa phương hiểu khác nhau về vấn đề này.

    Về mặt pháp lý, Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV không có nội dung điều chỉnh, thay thế trong điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành liên quan đến Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT, cụ thể về nội dung bổ nhiệm Hiệu trưởng trường THCS, mặt khác hiện nay Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT vẫn còn hiệu lực, chưa bị thay thế nội dung nào.

    Về mặt thẩm quyền phân cấp quản lý, Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT giao trực tiếp thẩm quyền bổ nhiệm Hiệu trưởng trường THCS cho Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, không phải thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện, nên nói cách khác Chủ tịch UBND huyện không có thẩm quyền để phân cấp, phân công nhiệm vụ bổ nhiệm cho Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, bởi đây là nhiệm vụ mặc định theo quy định pháp luật.

    Từ những phân tích nêu trên, ông Duy hỏi, vậy, hiện nay việc bổ nhiệm Hiệu trưởng trường THCS công lập thuộc thẩm quyền của ai?

    Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

    Ngày 28/3/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/5/2011, hiện nay đang còn hiệu lực.

    Khoản 3, Điều 18 Thông tư này quy định thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường trung học như sau: Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT) ra quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đối với trường công lập, công nhận Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đối với trường tư thục sau khi thực hiện các quy trình bổ nhiệm cán bộ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Nếu nhà trường đã có Hội đồng trường, quy trình bổ nhiệm hoặc công nhận Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng được thực hiện trên cơ sở giới thiệu của Hội đồng trường.

    Ngày 29/5/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/7/2015, hiện nay đang còn hiệu lực.

    Tại ý thứ tư của Điểm b, Khoản 1, Điều 8 Thông tư liên tịch này quy định: Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo là người đứng đầu Phòng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và toàn bộ hoạt động của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

    Cụ thể, tham gia phối hợp với Trưởng phòng Nội vụ thực hiện quy trình, trình Chủ tịch UBND cấp huyện: Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển, cách chức, giáng chức đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, công nhận, không công nhận hội đồng trường các cơ sở giáo dục trực thuộc UBND cấp huyện; quyết định công nhận, không công nhận hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của UBND cấp huyện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý tổ chức cán bộ của UBND cấp tỉnh.

    Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

    Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, hiện nay đang còn hiệu lực, thì việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 156 Luật này như sau:

    – Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

    – Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

    Theo quy định tại Khoản 2, Điều 172 Luật này, Thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ hoặc bị thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác.

    Vấn đề ông Nguyễn Duy hỏi về thẩm quyền bổ nhiệm Hiệu trưởng trường THCS, căn cứ quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 156 và Khoản 2, Điều 172 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; áp dụng quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 8 Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 29/5/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ thì, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo tham gia phối hợp với Trưởng phòng Nội vụ thực hiện quy trình, trình Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển, cách chức, giáng chức đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, công nhận, không công nhận hội đồng trường các cơ sở giáo dục trực thuộc UBND cấp huyện (trong đó có việc quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng trường THCS). Theo đó, thẩm quyền quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng trường THCS là Chủ tịch UBND cấp huyện.

    Việc này phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Phòng Giáo dục và Đào tạo quy định tại Khoản 7, Điều 7 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, theo đó Phòng Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Chương trình và nội dung giáo dục và đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo và tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục; tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em; quy chế thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.

    Nguồn: Baochinhphu.vn

     

Chia sẻ trang này