Căn cứ tính lương cho lao động trong ngày nghỉ lễ, tết

ID: 18344 - Bài viết trong 'Nhân sự Thái Nguyên' gửi bởi Admin, 9 Tháng mười một 2018.

  1. Lượt xem: 1,179

    Bà Nguyễn Thị Huế (Hà Nam) hỏi: Trường hợp thanh toán lương ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ phép, nghỉ việc riêng có hưởng lương có được cộng tiền phụ cấp trách nhiệm công việc hoặc phụ cấp cán bộ công đoàn vào để tính lương những ngày nghỉ đó không?

    Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Huế hỏi như sau:

    Khoản 2, Điều 26 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định, tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm tại Điều 111; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Điều 112; ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương tại Khoản 1, Điều 116 của Bộ luật Lao động là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương.

    Về vấn đề bà Nguyễn Thị Huế hỏi, theo quy định nêu trên, tiền lương làm căn cứ để tính trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc; ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề. Mặc dù tiền lương ghi trong hợp đồng lao động không ghi phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp cán bộ công đoàn, nhưng hàng tháng bà Huế vẫn được chi trả cùng kỳ lương hai khoản phụ cấp này. Vậy khi thanh toán lương ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ phép, nghỉ việc riêng có hưởng lương có được cộng tiền phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp cán bộ công đoàn vào để tính lương những ngày nghỉ đó không?

    Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, được hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXHngày 23/6/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định, bao gồm:

    Mức lương theo công việc hoặc theo chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng;

    Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương;

    Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

    Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện.

    Trường hợp bà Nguyễn Thị Huế nêu, mặc dù tiền lương ghi trong hợp đồng lao động không ghi phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp cán bộ công đoàn, nhưng hàng tháng bà Huế vẫn được chi trả cùng kỳ lương hai khoản phụ cấp này.

    Về phụ cấp cán bộ công đoàn, theo Quy định về phụ cấp cán bộ công đoàn (Ban hành kèm theo Quyết định số 1439/QĐ-TLĐ ngày 14/12/2011 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) thì phụ cấp áp dụng đối với cán bộ công đoàn bao gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm đối với chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở trở lên hoạt động kiêm nhiệm; phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn (cán bộ công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam) được sử dụng trong phạm vi nguồn kinh phí theo quy định của Tổng Liên đoàn.

    Phụ cấp cán bộ công đoàn không tính để đóng và hưởng chế độ BHXH, BHYT. Khi thôi giữ chức vụ kiêm nhiệm, cán bộ công đoàn thì thôi hưởng phụ cấp cán bộ công đoàn từ tháng tiếp theo. Theo luật sư, khoản phụ cấp này không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, do đó không phải là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động; không dùng làm căn cứ tính trả lương cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc; ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương.

    Về phụ cấp trách nhiệm công việc, theo quy định nêu trên, phụ cấp trách nhiệm công việc là khoản phụ cấp có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động. Phụ cấp trách nhiệm công việc là khoản tiền lương được ghi trong hợp đồng lao động.

    Trường hợp phụ cấp trách nhiệm công việc không được ghi trong hợp đồng lao động, nhưng hàng tháng bà Huế vẫn được chi trả phụ cấp trách nhiệm công việc cùng tiền lương hàng tháng thì, theo luật sư, phụ cấp trách nhiêm công việc được chi trả hàng tháng này được coi là khoản tiền lương đã ghi trong hợp đồng lao động, để làm căn cứ tính trả lương cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc; ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương.

    Nguồn: Baochinhphu.vn

     

Chia sẻ trang này