Chuyên gia: Cử nhân thất nghiệp không dễ ‘xuất khẩu’

ID: 13507 - Bài viết trong 'Nhân sự Thái Nguyên' gửi bởi Admin, 6 Tháng bảy 2017.

  1. Lượt xem: 1,928

    Nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu “xuất khẩu” hơn 54.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp là quá tham vọng.

    Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) vừa xây dựng dự thảo Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025.

    Mục tiêu của đề án là đưa hơn 54.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chưa tìm được việc có nhu cầu đi làm tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức ở một số ngành nghề được phê duyệt, như: Kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, điều dưỡng, hộ lý…

    Mục tiêu đề án quá tham vọng?

    Ths Nguyễn Khắc Giang, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng mục tiêu của đề án quá tham vọng. Ví dụ với Đức, hiện mới có 200 lao động Việt Nam tham gia chương trình nhà nước đi lao động ở nước này. Từ con số khiêm tốn này, đề án đề ra mục tiêu 3 năm tới đưa hơn 10.000 lao động đi Đức trong khi chưa có khung hợp tác với nước sở tại.

    “Những chương trình như thế này cần có sự thống nhất về chính sách giữa Việt Nam và các nước tiếp nhận lao động thì mới hiệu quả”, ông nói.

    Ngoài ra, theo ông Giang, việc đưa lao động có chuyên môn vào nước mục tiêu phải cân nhắc khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam, nhất là một số ngành nghề mà nhiều nước khác cũng có lực lượng lao động lớn như Philippines, Ấn Độ, Ba Lan… Đề án chưa nói rõ “đối thủ cạnh tranh” hiện như thế nào.

    thitienghan-3107-1499233000.jpg
    50% lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có trình độ phổ thông. Ảnh: Giang Huy.

    Ths Giang phân tích thêm, Việt Nam hiện có định hướng phát triển công nghiệp sáng tạo, như vậy có nên theo đuổi việc “đào tạo hộ” lao động cho nước khác, hay là xem xét lại khoảng cách giữa lao động chuyên môn kỹ thuật và nhu cầu của chính doanh nghiệp trong nước.

    “Tại sao không đi vào gốc vấn đề là đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng, dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động?”, Ths Giang nêu câu hỏi.

    Yêu cầu tiếp nhận lao động ở các nước “rất khắt khe”

    Một chuyên gia lĩnh vực đào tạo nhân lực nhận định, các ngành nghề được phê duyệt trong đề án chủ yếu thuộc khối kỹ thuật như kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông… Theo dự báo đến 2020, Việt Nam thiếu hụt khoảng 100.000 ứng viên công nghệ thông tin. Điều đó cho thấy trong nước cũng đang thiếu lao động chất lượng cao.

    “Đối tượng đề án hướng tới là lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa tìm được việc làm theo đúng ngành phê duyệt trong đề án. Điều này hơi mâu thuẫn. Nếu thực sự là lao động chất lượng thì có thể tìm được việc làm ngay trong nước. Vậy nếu muốn đi xuất khẩu thì có phải đào tạo lại không?”, ông đặt câu hỏi.

    Chuyên gia này cũng cho biết, yêu cầu tiếp nhận ở các nước rất khắt khe, ví dụ để được cấp thị thực làm việc ở Đức, lao động phải đạt trình độ B2 tiếng Đức, có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc sau khi tốt nghiệp. Trong khi đó, theo dự thảo đề án thì số lao động chuyên môn kỹ thuật của Việt Nam thất nghiệp tập trung nhiều ở lĩnh vực xã hội nhân văn – mảng mà các quốc gia khác không có nhu cầu tiếp nhận.

    Theo chuyên gia này, ban soạn thảo đề án cần tập hợp số liệu chính thức về lao động thất nghiệp phân theo ngành nghề, lĩnh vực đào tạo để phục vụ công tác hoạch định chính sách. Cùng với đó, cơ quan chức năng muốn thực hiện “tham vọng” mà đề án nêu ra thì phải thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của nước tiếp nhận.

    Ông Nguyễn Xuân Vui – lãnh đạo doanh nghiệp nhiều năm đưa lao động mảng công nghệ thông tin, điện, cơ khí… đi làm việc tại nước ngoài, cho biết điểm yếu của nhiều lao động Việt Nam là tâm lý nóng vội, muốn đi nhanh nên không kiên trì học ngoại ngữ, chỉ học tiếng đủ thi qua vòng tuyển dụng là xong. Vì ngoại ngữ kém nên sang đến nơi thường ít việc.

    “Nếu đề án được tiến hành thì cần đào tạo bài bản cho họ về ngoại ngữ. Lực lượng này khi hết hạn, về nước làm việc sẽ có chuyên môn tốt, ý thức kỷ luật cao vì nhiều năm được rèn giũa trong môi trường làm việc chuyên nghiệp”, ông nói.

    Theo:vnexpress

     

Chia sẻ trang này