Công chức đã có thời gian đóng BHXH, xếp lương thế nào?

ID: 17540 - Bài viết trong 'Nhân sự Thái Nguyên' gửi bởi Admin, 13 Tháng tám 2018.

  1. Lượt xem: 1,727

    congchuc_1.jpg
    Bà Trần Huỳnh Thị Minh Ngọc công tác tại Phòng Kế toán Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Ninh Thuận từ tháng 12/2016. Bà Ngọc đã trải qua nhiều vị trí công việc tại Phòng Kế toán (có đóng BHXH bắt buộc).

    Quá trình công tác, đóng BHXH của bà Ngọc như sau:

    – Tháng 12/2006 – 3/2007: Giao dịch viên theo chế độ thử việc; hệ số lương 1,989 (2.34*85%).

    – Tháng 4/2007 – 11/2007: Giao dịch viên, bậc 1, hệ số lương 2,34.

    – Tháng 12/2007 – 7/2009: Chuyên viên, làm kế toán tài chính nội bộ, bậc 1, hệ số lương 2,34.

    – Tháng 8/2009 – 11/2009: Nghỉ hưởng chế độ thai sản.

    – Tháng 12/2009 – 3/2010: Chuyên viên kế toán tài chính nội bộ, bậc 1, hệ số lương 2,34

    – Tháng 4/2010- 3/2013: Chuyên viên kế toán tài chính nội bộ, bậc 2, hệ số lương 2,65.

    – Tháng 4/2013: Chuyên viên kế toán tài chính nội bộ, bậc 3, hệ số lương 2,96.

    – Tháng 5/2013 – 6/2015: Kế toán viên, tiền lương đóng BHXH 4.533.000 đồng.

    – Tháng 7/2015 – 12/2015: Cán bộ hậu kiểm, tiền lương đóng BHXH 4.533.000 đồng

    – Tháng 1/2016 – 2/2016: Cán bộ hậu kiểm, tiền lương đóng BHXH 5.030.550 đồng.

    – Tháng 3/2016 – 12/2016: Kiểm soát viên, tiền lương đóng BHXH 5.056.800 đồng.

    – Tháng 1/2017: Kiểm soát viên, tiền lương đóng BHXH 5.328.300 đồng.

    – Tháng 2/2017 – 9/2017: Hậu kiểm, tiền lương đóng BHXH 5.358.455 đồng.

    – Tháng 10/2017 – 6/2018: Phó Trưởng phòng kế toán, tiền lương đóng BHXH 5.355.850 đồng.

    Sau khi trúng tuyển kỳ thi công chức, ngày 1/7/2018 bà Ngọc nhận quyết định tuyển dụng công chức, nhận công tác tại Phòng Kế hoạch tài chính (công việc kế toán) tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận. Theo quyết định này bà phải tập sự 12 tháng và hưởng lương hệ số 2,34 (hưởng 85%).

    Bà Ngọc hỏi, trường hợp của bà đã đóng BHXH từ tháng 12/2006 đến nay và đã công tác nhiều vị trí trong đó có công tác kế toán thì có phù hợp với công việc ngạch, bậc được tuyển dụng hay không, có được miễn tập sự không và hệ số lương được hưởng là bao nhiêu?

    Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Ngọc hỏi như sau:

    Khoản 2, Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức quy định, trường hợp người được tuyển dụng vào công chức theo quy định tại Nghị định này, đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc, chưa nhận trợ cấp BHXH một lần, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc được tính để làm căn cứ xếp ngạch, bậc lương phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, thời gian công tác có đóng bảo hiểm bắt buộc đứt quãng thì được cộng dồn.

    Điểm a, Khoản 1, Điều 11 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định việc xếp ngạch, bậc lương đối với trường hợp đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc khi được tuyển dụng như sau:

    Đối với trường hợp đang được xếp lương theo ngạch, bậc theo bảng lương do Nhà nước quy định, được bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở xuống thì, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định xếp ngạch, bậc lương theo thẩm quyền và theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty Nhà nước vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

    Khoản 2, Điều 11 Thông tư này quy định, đối với trường hợp chưa được xếp lương theo ngạch, bậc theo bảng lương do Nhà nước quy định thì, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức phải có dự kiến phương án xếp ngạch, bậc lương cụ thể đối với từng trường hợp và có văn bản kèm theo bản sao sổ BHXH được cơ quan có thẩm quyền xác nhận của từng trường hợp, đề nghị Bộ Nội vụ thống nhất ý kiến trước khi thực hiện.

    Trường hợp được miễn chế độ tập sự

    Điều 12 Thông tư số 13/2010/TT-BNV quy định, người được tuyển dụng công chức được miễn thực hiện chế độ tập sự khi có đủ các điều kiện sau:

    – Đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự quy định tại Khoản 2, Điều 20 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP tương ứng với ngạch công chức được tuyển dụng;

    – Trong thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự, người được tuyển dụng đã làm những công việc theo yêu cầu của ngạch công chức được tuyển dụng.

    Người được tuyển dụng nếu không có đủ các điều kiện quy định nêu trên thì phải thực hiện chế độ tập sự; thời gian người được tuyển dụng đã làm những công việc theo yêu cầu của ngạch công chức được tuyển dụng (nếu có) được tính vào thời gian tập sự.

    Nếu sự việc đúng như bà Trần Huỳnh Thị Minh Ngọc phản ánh, trước khi trúng tuyển, nhận quyết định tuyển dụng công chức kế toán thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận, bà đã có thời gian trên 12 tháng làm công việc kế toán với trình độ đại học, có đóng BHXH bắt buộc tại Phòng Kế toán, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Ninh Thuận từ tháng 12/2016 đến tháng 7/2018. Đối chiếu quy định tại Điều 12 Thông tư số 13/2010/TT-BNV thì trường hợp bà Ngọc được miễn thực hiện chế độ tập sự.

    Trong quá trình hoạt động, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Ninh Thuận có thay đổi chế độ tiền lương từ việc xếp lương theo ngạch, bậc do Nhà nước quy định đối với doanh nghiệp Nhà nước tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP của Chính phủ, sang xếp lương theo thang lương, bảng lương, chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định.

    Giai đoạn từ tháng 4/2007 đến tháng 4/2013, bà Ngọc được trả lương nâng theo các bậc 1/8, 2/8, 3/8 của thang lương chuyên viên, kinh tế viên, kỹ sư (8 bậc), thuộc Bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ ở các công ty Nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP.

    Giai đoạn từ tháng 5/2013 đến hết tháng 6/2018, bà Ngọc được trả lương theo thang lương, bảng lương, chế độ tiền lương do Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Ninh Thuận quy định.

    Như vậy, tại thời điểm được tuyển dụng vào công chức, bà Ngọc đang hưởng lương, có đóng BHXH bắt buộc theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động quy định, nhưng không phải là trường hợp chưa được xếp lương theo ngạch, bậc theo bảng lương do Nhà nước quy định, vì trước đó, đến thời điểm tháng 4/2013 bà đã hưởng lương, có đóng BHXH bắt buộc theo ngạch chuyên viên, bậc 3/8, hệ số 2,96 theo Bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ ở các doanh nghiệp Nhà nước, do Chính phủ quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP.

    Theo luật sư, sau khi ban hành quyết định tuyển dụng công chức, cơ quan quản lý công chức có thể vận dụng quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 11 Thông tư số 13/2010/TT-BNV để ban hành quyết định bổ nhiệm bà Ngọc vào công chức ngạch Kế toán viên (mã số 06.031), đồng thời căn cứ vào bậc lương bà Ngọc đã được hưởng tại thời điểm tháng 4/2013 là bậc 3/8, hệ số 2,96 Bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ ở các doanh nghiệp Nhà nước, do Chính phủ quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP để xếp vào bậc lương có hệ số lương cao hơn gần nhất, là bậc 3/9, hệ số 3,0, thang lương công chức loại A1, Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước (Bảng 2), ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

    Trường hợp áp dụng Khoản 2, Điều 11 Thông tư số 13/2010/TT-BNV, cơ quan quản lý công chức sẽ dự kiến phương án xếp bậc lương phù hợp với mức lương đóng BHXH tại thời điểm bà Ngọc được tuyển dụng và có văn bản kèm theo bản sao sổ BHXH gửi Bộ Nội vụ thỉnh thị ý kiến chấp thuận, làm cơ sở ban hành quyết định bổ nhiệm, xếp ngạch, bậc lương công chức đối với bà Ngọc.

    Nguồn: Baochinhphu.vn

     

Chia sẻ trang này